Tư tưởng Diêm Tích Sơn Diêm Tích Sơn

Diêm Tích Sơn dành trọn đời để xác định, phân tích và truyền bá một tư tưởng toàn diện nhằm cải thiện chí khí và lòng trung thành của những công chức và nhân dân Sơn Tây. Trong thời gian học tập tại Nhật Bản, Diêm Tích Sơn bị chủ nghĩa quân phiệtchủ nghĩa Darwin xã hội thu hút, song ông từ bỏ chúng sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Trong suốt cuộc đời còn lại của mình, Diêm Tích Sơn nằm trong số những người bảo thủ nhất tại Trung Quốc: rằng cải cách xã hội và kinh tế sẽ tiến triển nhờ cải cách đạo đức; và rằng các vấn đề mà Trung Quốc phải đối diện chỉ có thể được giải quyết nhờ khôi phục đạo đức của nhân dân.[28] Trong thời gian cầm quyền, ông cho rằng không có tư tưởng riêng lẻ để thống nhất người Trung Quốc, và nỗ lực phát triển một tư tưởng lý tưởng của riêng mình, và từng hãnh diện rằng mình thành công trong việc thiết lập một hệ thống tín ngưỡng toàn diện biểu thị các đặc tính tối ưu của "chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa quốc dân, chủ nghĩa vô chính phủ, chế độ dân chủ, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phổ độ, chủ nghĩa gia trưởng, và chủ nghĩa không tưởng".[29] Phần lớn các nỗ lực của Diêm Tích Sơn nhằm truyền bá tư tưởng của mình được tiến hành thông qua một mạng lưới các tổ chức bán tôn giáo mang tên "Tẩy tâm xã".

Ảnh hưởng từ Nho giáo

Diêm Tích Sơn gắn bó tình cảm với triết lý Nho giáo do được giáo dục trong môi trường này, và do ông xác định các giá trị Nho giáo là một giải pháp hiệu quả mang tính lịch sử đối với tình trạng hỗn loạn và vô trật tự vào đương thời. Diêm Tích Sơn biện hộ cho sự thống trị của mình thông qua các lý luận chính trị Nho giáo, và nỗ lực phục hưng những đức tính Nho giáo để khiến chúng được chấp thuận phổ quát. Trong các phát biển và tác phẩm của mình, Diêm Tích Sơn biểu thị sự ngưỡng mộ quá độ đối với các đức tính tiết chế và hài hòa có liên hệ với Trung Dung. Nhiều cải cách mà Diêm Tích Sơn nỗ lực được thực hiện với mục đích chứng minh rằng ông là một "quân tử".[28]

Sự diễn giải Nho giáo của Diêm Tích Sơn hầu hết là lấy từ Lý học vốn phổ biến vào thời Thanh. Ông dạy rằng mọi người bẩm sinh đều có một tài, song để hoàn thiện tài này thì phụ thuộc vào cảm xúc và mong muốn kiểm soát lương tâm của họ. Ông ngưỡng mộ các triết gia Lục Cửu UyênVương Dương Minh thời Minh, là người miệt thị tri thức và người khuyến khích nam nhân hành động dựa theo trực giác của mình. Diêm Tích Sơn cho rằng nhân loại chỉ có thể đạt đến tiềm năng của mình thông qua tự phê bình và tự tu luyện mãnh liệt, do vậy ông thiết lập ở mỗi thị trấn một "Tẩy tâm xã", các thành viên của tổ chức tập hợp vào mỗi chủ nhật để trầm tư và nghe các bài thuyết pháp dựa trên các đề tài của kinh điển Nho giáo. Mọi người trong cuộc họp được yêu cầu đứng lên và lớn tiếng thú nhận những lỗi lầm của mình trong tuần qua, mời phê bình từ các thành viên khác.[30]

Ảnh hưởng từ Thiên Chúa giáo

Diêm Tích Sơn quy nhiều sinh khí của Tây phương cho Thiên Chúa giáo, và nghĩ rằng Trung Quốc chỉ có thể kháng cự và vượt qua Tây phương bằng cách tạo ra một truyền thống tư tưởng gây cảm hứng tương đồng. Diêm Tích Sơn đánh giá cao nỗ lực của các nhà truyền giáo (hầu hết là người Mỹ, duy trì một học khu tại Thái Cốc) nhằm giáo dục và hiện đại hóa Sơn Tây. Diêm Tích Sơn thường xuyên diễn thuyết trước các lớp tốt nghiệp từ những trường này, song thường không thành công trong việc tuyển mộ các học sinh này phục vụ trong chính quyền của ông. Diêm Tích Sơn hỗ trợ các nhà thờ Thiên Chúa giáo địa phương tại Thái Nguyên, và từng nghiêm túc cân nhắc việc sử dụng các giáo sĩ Thiên Chúa giáo trong quân đội của ông. Sự ủng hộ công khai của Diêm Tích Sơn cho Thiên Chúa giáo giảm bớt sau năm 1925, khi ông thất bại trong việc bảo vệ tín hữu Thiên Chúa giáo trong các cuộc thị uy chống người ngoại quốc và chống tín hữu Thiên Chúa giáo vốn phân cực Thái Nguyên.[31]

Diêm Tích Sơn chủ tâm sắp xếp nhiều đặc điểm của Tẩy tâm xã vào trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo, bao gồm kết thúc mỗi buổi tế lễ bằng một thánh ca ca ngợi Khổng Tử. Diêm Tích Sơn xúc tiến dân chúng đặt đức tin của họ vào một đấng tối cao mà ông gọi là Thượng đế: ông biện minh đức tin của mình vào Thượng đế bằng các kinh điển Nho giáo, song mô tả Thượng đế bằng các ngôn từ rất tương đồng với giải thích của Thiên Chúa giáo về Thượng đế. Giống như Thiên Chúa giáo, tư tưởng Diêm Tích Sơn được lan tỏa với niềm tin rằng, bằng cách chấp thuận tư tưởng của ông, nhân dân có thể được tái sinh.[31]

Ảnh hưởng của tư tưởng Quốc dân

Năm 1911, Diêm Tích Sơn giành được quyền lực tại Sơn Tây với địa vị là một thành viên Quốc dân, song sau đó ông nhận định chủ nghĩa Quốc dân chỉ đơn thuần là một tập hợp các ý tưởng khác có thể sử dụng nhằm đạt được các mục tiêu của mình. Diêm Tích Sơn nói rằng mục tiêu chính của Tẩy tâm xã là khuyến khích tính thần ái quốc của người Trung Quốc bằng cách phục hồi đền thờ Nho giáo, khiến những người ngoại quốc quy kết ông nỗ lực thiết lập một phiên bản Thần đạo kiểu Trung Quốc.[32]

Diêm Tích Sơn nỗ lực trung hòa một số khía cạnh của tư tưởng Tôn Trung Sơn mà ông nhận thấy có nguy cơ đe dọa đến quyền lực của bản thân. Diêm Tích Sơn cải biến một số học thuyết của Tôn Trung Sơn trước khi phổ biến chúng tại Sơn Tây, thiết lập phiên bản Tam Dân của riêng ông, theo đó thay thế những nguyên lý về dân tộc và dân chủ bằng các nguyên lý về đạo đức và tri thức. Trong Phong trào Ngũ Tứ năm 1919, khi các học sinh tại Thái Nguyên tổ chức tuần hành chống ngoại quốc, Diêm Tích Sơn cảm báo rằng tinh thần ái quốc giống như lượng mưa nên chỉ có lợi khi biết tiết chế.[32]

Sau khi Quốc dân đảng thành công trong việc thiết lập một chính phủ trung ương trên danh nghĩa vào năm 1930, Diêm Tích Sơn khuyến khích các nguyên lý Quốc dân mà ông nhận định là mang lại lợi ích xã hội. Trong thập niên 1930, Diêm Tích Sơn nỗ lực thiết lập tại mỗi thôn một phong trào nhằm xúc tiến các giá trị của phong trào Tân sinh hoạt của Tưởng Giới Thạch. Những giá trị này gồm có trung thực, thân thiện, tôn nghiêm, siêng năng, khiêm tốn, tiết kiệm, vệ sinh cá nhân, và tuân lệnh.[30]

Ảnh hưởng của xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa

Năm 1931, Diêm Tích Sơn trở về sau khi lưu vong tại Đại Liên với những ấn tượng về thành công hiển nhiên của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Liên Xô, và ông nỗ lực tái cấu trúc kinh tế Sơn Tây theo các cách thức Xô viết, theo một "kế hoạch 10 năm" địa phương mà Diêm Tích Sơn tự phát triển.[33] Trong thập niên 1930, Diêm Tích Sơn thẳng thừng đánh đồng phát triển kinh tế với kiểm soát nhà nước đối với công nghiệp và tài chính, và ông thành công trong việc đưa hầu hết ngành công thương vào trong quyền kiểm soát của chính quyền vào cuối thập niên 1930.[34]

Những phát biểu của Diêm Tích Sơn sau năm 1931 phản ánh một sự giải thích kinh tế Marxist (hầu hết lấy từ Tư bản luận) mà Diêm Tích Sơn tiếp nhận trong khi lưu vong tại Đại Liên. Sau giải thích này, Diêm Tích Sơn nỗ lực cải tổ kinh tế Sơn Tây nhằm tương đồng hơn với kinh tế của Liên Xô, truyền cảm hứng cho một kế hoạch kinh tế "phân phối theo lao động". Khi mối đe dọa của Cộng sản Trung Quốc trở nên đáng kể đối với quyền lực của mình, Diêm Tích Sơn biện hộ cho những người Cộng sản là can đảm và cuồng tín hy sinh khác biệt với đạo tặc thông thường (trái ngược với tuyên truyền của Quốc dân đảng), và những yêu cầu của họ cần phải được đáp ứng bằng những cải cách xã hội và kinh tế giúp làm giảm môi trường để chủ nghĩa Cộng sản hoạt động.[35]

Giống như Karl Marx, Diêm Tích Sơn muốn loại bỏ điều mà ông nhìn nhận là lợi nhuận phi lao động bằng cách tái cấu trúc kinh tế Sơn Tây nhằm chỉ thưởng cho những người lao động. Diêm Tích Sơn giải thích lại chủ nghĩa Cộng sản nhằm hiệu chỉnh điều mà ông cho là sai lầm lớn của chủ nghĩa Marx: tính tất yếu của đấu tranh giai cấp. Diêm Tích Sơn tán tụng Marx do phân tích của ông ta về khía cạnh vật chất trong xã hội nhân loại, song tuyên bố tin rằng có một sự thống nhất đạo đức và tinh thần của nhân loại bao hàm một trạng thái hài hòa, nó gần gũi với lý tưởng nhân loại hơn là xung đột. Bằng cách khước từ thuyết quyết định kinh tế để ủng hộ đạo đức và tự do ý chí, Diêm Tích Sơn hy vọng thiết lập một xã hội hiệu quả hơn và ít bạo lực hơn so với xã hội Cộng sản, trong khi thủ tiêu bóc lột và cảnh khổ cực của nhân loại mà ông cho rằng là kết quả tất yếu của chủ nghĩa tư bản.[36]

Diêm Tích Sơn diễn giải Tân chính của Tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt là xúc tiến chủ nghĩa xã hội nhằm chống lại sự truyền bá của chủ nghĩa Cộng sản. Diêm Tích Sơn sau đó tiến hành một loạt dự án công trình công cộng lấy cảm hứng từ Tân chính nhằm giảm bớt thất nghiệp trong tỉnh.[37]

Mức độ thành công

Bất chấp những nỗ lực của mình, Diêm Tích Sơn không thể đạt được thành công trong việc truyền bá phổ biến tư tưởng Diêm Tích Sơn tại Sơn Tây, và hầu hết quần chúng của ông từ chối tin rằng mục tiêu thực sự của ông khác biệt đáng kể so với của các chế độ trước. Bản thân Diêm Tích Sơn đổ lỗi thất bại cho khuyết điểm của các quan chức thuộc cấp, buộc tội rằng họ lạm dụng quyền lực và không thể giải thích các tư tưởng của ông cho thường dân. Tổng thể, các quan chức của Sơn Tây biển thủ các quỹ dự định dành cho tuyên truyền, cố gắng giải thích các tư tưởng của Diêm Tích Sơn bằng ngôn ngữ quá phức tạp với thường dân, và thường cư xử theo kiểu độc đoán gây mất tín nhiệm đối với tư tưởng Diêm Tích Sơn và thất bại trong việc tạo ra sự nhiệt tình trong dân chúng dành cho chế độ của Diêm Tích Sơn.[38]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Diêm Tích Sơn http://books.google.ca/books?id=ib-sEZzxkb4C&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=rfu-hR8msh4C&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=rsLQdBUgyMUC&print... http://www.time.com/time/covers/0,16641,19300519,0... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://tw.myblog.yahoo.com/lulu-lisa/article?mid=1... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb162350005 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb162350005